Tập đoàn T&T đã thâu tóm nhiều dự án điện gió của Hoàng Sơn, sau đó triển khai đầu tư ngay đầu năm 2021, dự kiến hoàn thành trước tháng 10.
Năm 2020, Tập đoàn T&T của ông bầu Đỗ Quang Hiển bắt đầu có những động thái chính thức trong lĩnh vực năng lượng, mà cụ thể là điện tái tạo.
T&T đưa 4 nhà máy điện mặt trời hòa lưới điện quốc gia với tổng công suất 245 MW, bao gồm: dự án Phước Ninh (45 MW), dự án Thiên Tân 1.2 (100 MW), dự án Thiên Tân 1.3 (50 MW) và dự án Hồng Liêm 3 (50 MW).
“Không phải tới năm 2020, Tập đoàn T&T mới bắt đầu bước chân vào địa hạt năng lượng. Từ 10 năm trước, bám sát chủ trương của Chính phủ, T&T đã bắt tay vào việc hoạch định chiến lược cho sân chơi khi đó vẫn còn rất mới mẻ”, đại diện công ty cho biết.
Tập đoàn T&T ví mình như chiếc lò xo bị nén lâu ngày và thực sự “bật tung” sau gần một thập kỷ trong lĩnh vực năng lượng.
Sau 245 MW điện mặt trời hòa lưới năm 2020, T&T chưa có ý định dừng lại. Đầu năm nay, tập đoàn này cho biết đang nghiên cứu, có kế hoạch triển khai hàng loạt dự án điện gió tại các địa phương giàu tiềm năng trên khắp cả nước, với tổng công suất 530 MW. Theo kế hoạch, các dự án sẽ hòa lưới điện quốc gia vào tháng 10/2021.
Đồng thời, T&T đã hoạch định chiến lược phát triển các dự án năng lượng tái tạo, điện khí, cảng và trung tâm khí LNG đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 phù hợp với chiến lược và quy hoạch năng lượng quốc gia.
Đích thân ông Đỗ Quang Hiển làm việc tại nhiều tỉnh thành đề xuất tham gia đầu tư các dự án điện khí LNG hàng tỷ đô la
Trong những năm qua, Tập đoàn T&T đã bày tỏ sự quan tâm đến nhiều dự án điện khí lớn như Cái Mép Hạ (Bà Rịa – Vũng Tàu) tổng mức đầu tư 6 tỷ USD. Đối tác của T&T trong dự án này là Công ty Gen X Energy (Mỹ). Theo kế hoạch, dự án sẽ triển khai theo 3 giai đoạn: giai đoạn I (hoàn thành năm 2023), giai đoạn II (hoàn thành năm 2026) và giai đoạn III (hoàn thành năm 2030).
T&T cũng đề xuất với tỉnh Bình Thuận để đầu tư Trung tâm điện khí LNG Sơn Mỹ 3&4 tổng công suất 3 GW (1,5 GW cho mỗi giai đoạn).
Tại tỉnh Quảng Trị, tập đoàn của ông Đỗ Quang Hiển đề xuất đầu tư Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng, tổng mức đầu tư 4,4 tỷ USD.
Còn tại Hà Tĩnh, T&T muốn bắt tay cùng PV Power phát triển dự án LNG quy mô 3,5 tỷ USD tại khu kinh tế Vũng Áng…
Đây đều là các dự án điện khí quy mô lớn, đòi hỏi Tập đoàn T&T phải bỏ ra nhiều nguồn lực nếu thực sự triển khai thực hiện. Nhưng T&T cũng có lựa chọn khác là hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực năng lượng, không chỉ giúp giải quyết bài toán tài chính mà còn cả công nghệ, năng lực kỹ thuật và nhân sự điều hành…
Quay trở lại với hiện tại, chúng tôi biết rằng Tập đoàn T&T đã kín tiếng thâu tóm và đang triển khai hàng loạt dự án điện gió trên cả nước.
T&T đã mua lại dự án điện gió Yang Trung (145 MW) và dự án điện gió Chơ Long (155 MW) tỉnh Gia Lai, cho động thổ vào cuối tháng 3 năm nay.
Dự án điện gió Phước Hữu Duyên Hải 1 (30 MW) tỉnh Ninh Thuận, dự án điện gió Hòa Đông 2 (72 MW) tỉnh Sóc Trăng cũng được triển khai trong năm nay và được ghi nhận đầu tư bởi Tập đoàn T&T.
Ngoài ra, công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Năng lượng Ninh Thuận, chủ đầu tư dự án Thiên Tân 1.4, là doanh nghiệp trực thuộc T&T Group…
Trên thực tế, các dự án điện gió Yang Trung, Chơ Long và Hòa Đông 2 đều từng thuộc sở hữu của ông chủ Nguyễn Nam Chung và CTCP Đầu tư Năng lượng Xây dựng Thương mại Hoàng Sơn (Hoàng Sơn). Đây là doanh nghiệp kín tiếng đất Hòa Bình với tham vọng đầu tư vào nhiều dự án điện gió, điện tái tạo trong những năm qua.