Theo dự thảo Báo cáo Quy hoạch sử dụng đất Quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050, tính đến năm 2020, cả nước có 381 khu công nghiệp (KCN) được thành lập với tổng diện tích quy hoạch là 114.000 ha, trong đó diện tích KCN đã được giao đất và đưa vào sử dụng là 90.800 ha, tăng 18.800 ha so với năm 2010.
Cụ thể, vùng Trung du và miền núi phía Bắc đã thành lập 30 KCN với diện tích 7.000 ha. Trong đó, diện tích đã được giao đất và đưa vào sử dụng là 5.200 ha, tăng 2.720 ha so với năm 2010.
Vùng Đồng bằng sông Hồng đã thành lập 94 KCN với diện tích 26.000 ha, trong đó, diện tích đã được giao đất và đưa vào sử dụng là 19.950 ha, tăng 4.920 ha so với năm 2010.
Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung đã thành lập 68 KCN với diện tích 22.000 ha, trong đó, diện tích đã được giao đất và đưa vào sử dụng là 17.100 ha, tăng 7.240 ha so với năm 2010.
Vùng Tây Nguyên đã thành lập 10 KCN với diện tích 2.000 ha, trong đó, diện tích đã được giao đất và đưa vào sử dụng là 1.550 ha, tăng 290 ha so với năm 2010.
Vùng Đông Nam Bộ đã thành lập 119 KCN với diện tích 44.000 ha, trong đó, diện tích đã được giao đất và đưa vào sử dụng là 34.240 ha, tăng 50 ha so với năm 2010.
Vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã thành lập 60 KCN với diện tích 13.000 ha, trong đó, diện tích đã được giao đất và đưa vào sử dụng là 12.760 ha, tăng 3.580 ha so với năm 2010.
Đến nay mới chỉ có 331 KCN, khu chế xuất đi vào hoạt động, chiếm gần 87% số khu đã thành lập.
Tỷ lệ lấp đầy bình quân đối với các khu đã đi vào hoạt động khoảng 75%, riêng khu chế xuất Linh Trung III (tỉnh Tây Ninh) và khu chế xuất Linh Trung II, khu chế xuất Linh Trung (TP HCM) đều có tỷ lệ lấp đầy đạt 100%, khu chế xuất Tân Thuận có tỷ lệ lấp đầy đạt 81%.
Trong những năm qua, các KCN, KCX đã thu hút được 9.381 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng số vốn đầu tư đạt 191,6 tỷ USD; vốn đầu tư thực hiện đạt khoảng 60%. Đồng thời, thu hút được 9.331 dự án đầu tư trong nước (DDI), với tổng vốn đầu tư đạt hơn 2 triệu tỷ đồng; vốn thực hiện đạt khoảng 42%.
Tổng doanh thu đạt khoảng 235 tỷ USD, tăng hơn 8% so với năm 2018; kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 142 tỷ USD, đóng góp gần 59% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, tăng khoảng 11% so với năm 2018; nộp ngân sách nhà nước gần 130.000 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2018.
Tuy nhiên, việc phát triển các KCN trong thời gian qua vẫn còn những tồn tại, bất cập. Đơn cử như tỷ suất đầu tư trung bình của các dự án trong KCN vẫn ở mức thấp; một số KCN triển khai không đúng tiến độ nên diện tích đất sử dụng cho dự án chưa được khai thác; chưa thu hút được nhà đầu tư phát triển hạ tầng KCN,…
Việt Nam sẽ có 558 KCN đến năm 2030
Đến năm 2030, Việt Nam sẽ có khoảng 205.800 ha đất KCN (trong đó có khoảng 60% là đất trực tiếp sản xuất công nghiệp, còn 40% diện tích xây dựng cơ sở hạ tầng trong KCN), tăng 115.000 ha so với năm 2020 với 558 KCN (kể cả 95 KCN nằm trong các khu kinh tế ven biển và các khu kinh tế cửa khẩu).
Trong đó, vùng Trung du và miền núi phía Bắc 15.170 ha (58 KCN), tăng 9.970 ha so với năm 2020; vùng Đồng bằng sông Hồng 52.210 ha (142 KCN), tăng 32.260 ha; vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung: 47.930 ha (111 KCN), tăng 30.830 ha; vùng Tây Nguyên 3.730 ha (17 KCN), tăng 2.180 ha; vùng Đông Nam Bộ 59.010 ha (127 KCN), tăng 24.770 ha; vùng Đồng bằng sông Cửu Long 27.740 ha (103 KCN), tăng 14.980 ha.
Việc quy hoạch, bố trí diện tích quỹ đất các khu công nghiệp của cả nước như trên là tính tới lâu dài, tránh tốn kém kinh phí trong bồi thường, giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư.
Sau khi được Quốc hội quyết định, trong quá trình thực hiện, Chính phủ sẽ chủ động điều tiết, phân bổ chỉ tiêu cho các địa phương với các điều kiện và tiêu chí, ưu tiên cho phép các địa phương mở rộng các KCN khi đã thực hiện tỷ lệ lấp đầy đạt trên 60%.
Nguồn: https://vietnambiz.vn